1:22
Tỉ Giá Hối Đoái
Loại Mua vào (VND) Bán ra (VND)
(Nguồn: Ngân hàng Vietcombank)

Thống Kê Website
Truy cập
Hôm nay


Tin Kinh Tế

Chủ tịch nước Tô Lâm: Sửa Luật Công chứng để phục vụ nhân dân

Chủ tịch nước cho rằng, luật cần quy định rõ những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải 1 cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người dân phải công chứng.

Công chứng phải chuẩn xác, giúp cải cách hành chính

Chiều nay (17/6), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, trước đây tất cả giao dịch đều rất đơn giản, nên không có công chứng. Sau khi xã hội phát triển, nhu cầu quản lý hành chính Nhà nước và sự phát triển của tư pháp mới sinh ra công chứng.

Công chứng chỉ hình thành khoảng vài chục năm nay, từ đơn giản là sao y bản chính, chứng thực văn bản, thẩm quyền ban đầu của UBND. Sau đó, hình thành nên nghề công chứng, giao cho ngành tư pháp nhưng xã hội hóa lớn.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Sửa Luật Công chứng để phục vụ nhân dân- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ về Luật Công chứng.

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, vừa qua, quản lý, quản trị hành chính Nhà nước cải tiến rất nhiều, cải cách thủ tục hành chính, tự nhiên, công chứng bớt hẳn đi. Ví dụ trước đây phải đi photo hộ khẩu, đến công chứng xác minh hộ khẩu, nhưng giờ không còn hộ khẩu giấy nữa.

Trước đây đi làm hộ chiếu, đăng ký xe máy phải mang một tập giấy tờ, công chứng xác nhận... để xác nhận địa vị pháp lý. Giờ đã cải cách thủ tục hành chính, không cần công chứng nữa.

Hiện căn cước công dân là giấy tờ duy nhất xác định địa vị pháp lý của người dân, chỉ cần một số định danh đó là có thể khám sức khoẻ, xác nhận thuế, bảo hiểm y tế... Nhờ đó, công chứng giảm đi rất nhiều, cũng chính là cải cách thủ tục hành chính.

((Luật này, trước hết phải phục vụ cho người dân, nhưng để phục vụ người dân thì phải phục vụ cho nền hành chính quản lý, quản trị xã hội là chính và liên quan đến pháp lý, chứng cứ tư pháp, độ chuẩn xác rất lớn. Ban hành luật ra để hoạt động công chứng chuẩn, còn nếu tùy tiện thì rất khó khăn.))

Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định, luật cần quy định rõ trong những trường hợp nào phải công chứng, chứ không phải một cơ quan hay cán bộ nào đặt ra thủ tục buộc người dân phải công chứng.

"Cải cách này dân rất đồng tình, đến mức họ không nghĩ tại sao bây giờ đơn giản thế. Trước đây, để làm các thủ tục phải xếp hàng từ mấy giờ sáng, mang đầy đủ giấy tờ mới được giải quyết. Còn bây giờ chỉ mang căn cước công dân đến là được xem xét, giải quyết rồi. Thậm chí cũng không cần phải đến nữa mà giao dịch điện tử", Chủ tịch nước cho hay.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu, phải xem công chứng thế nào, phục vụ cái gì, làm gì trong hệ thống hành chính tư pháp, và "yêu cầu phải phục vụ nhân dân - đó là yêu cầu cao nhất". 

Cần rà soát lại tổng thể hơn để luật đi vào cuộc sống và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi hơn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải vào cuộc, quy định cái nào là công chứng và công chứng là phải chuẩn, để cải cách hành chính.

Từ sai phạm vụ án Vạn Thịnh Phát, đề nghị bắt buộc công chứng hồ sơ doanh nghiệp

Đại biểu Lường Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng là luật hóa quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng, song nội dung này lại chưa được đưa vào dự thảo luật sửa đổi lần này. 

Ông đề nghị, bổ sung một điều luật quy định về việc ban hành và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước Tô Lâm: Sửa Luật Công chứng để phục vụ nhân dân- Ảnh 3.

Đại biểu Lường Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi).

Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh, đề nghị quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp bởi các lý do: Doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế hợp đồng; điều lệ doanh nghiệp là một bản hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người. 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm đến điều lệ doanh nghiệp khi thành lập, từ đó dẫn đến nhiều tranh chấp; số lượng doanh nghiệp càng nhiều, tranh chấp càng có xu hướng tăng cao.

Thêm vào đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp lớn, nhỏ hiện nay quá dễ dàng và chưa bảo đảm chặt chẽ, tạo ra kẽ hở để lợi dụng vào các mục đích phi pháp. Việc giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp diễn ra nhiều, đã có nhiều vụ án liên quan, để lại hậu quả lớn.

"Vụ án điển hình là vụ Vạn Thịnh Phát với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập khống hồ sơ vay vốn, thuê người đứng tên cổ phần… Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thao túng 95% cổ phần SCB và điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng", đại biểu chỉ rõ.

Hiện tượng nâng khống vốn điều lệ, thuê người đứng tên doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp bừa bãi để hợp thức hóa các hành vi vi phạm pháp luật như: trốn thuế, rửa tiền, thao túng giá cả thị trường, làm "quân xanh" trong hoạt động đấu giá, đấu thầu xuất hiện thường xuyên, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Do đó, cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể giao dịch với doanh nghiệp.

Lấy ví dụ một số quốc gia phát triển trên thế giới quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản trong nội bộ doanh nghiệp như Nhật Bản, Đức, Pháp..., đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị, cần thiết phải bắt buộc công chứng điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và an ninh kinh tế.

Theo Phùng Đô-BáoGiaoThông


  Tận dụng tối đa các cơ hội từ các FTA và mục tiêu tăng trưởng càng cao càng tốt (07/06/2024 02 06 PM)
  Walmart, Amazon, Miniso muốn tăng mua hàng từ Việt Nam (07/06/2024 01 06 PM)
  Đường bộ được “chia lửa”, tai nạn giảm (07/06/2024 01 06 PM)
  Khu thương mại tự do của Đà Nẵng sẽ là 'đô thị kinh doanh tích hợp' (07/06/2024 01 06 PM)
  Nhiều đường ở TP HCM ngập nặng sau mưa lớn (07/06/2024 01 06 PM)
  Những điều cần biết trước khi thẻ căn cước mới được cấp từ 1/7 (07/06/2024 01 06 PM)
  Du lịch Sầm Sơn, hành khách hào hứng trải nghiệm “cung điện di dộng” (07/06/2024 01 06 PM)
  Chủ tịch 'kỳ lân' logistics Mỹ: Việt Nam là thị trường siêu quan trọng (07/06/2024 01 06 PM)
  Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội vắng vẻ bất ngờ (07/06/2024 01 06 PM)
  Thủ tướng yêu cầu tăng thanh tra livestream bán hàng (07/06/2024 01 06 PM)
  Gợi ý loạt tour 'xuất ngoại' dịp hè siêu rẻ, chơi thả ga hết vài triệu đồng (07/06/2024 01 06 PM)
  Tàu hỏa tông máy xúc, đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn (07/06/2024 01 06 PM)
  Số hóa dữ liệu hạ tầng đường sắt (07/06/2024 12 06 PM)
  Ngành thuế "lệnh" kiểm tra toàn diện việc nộp thuế kinh doanh online, livestream bán hàng (05/06/2024 11 06 PM)
  10 đoàn tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội vừa được đăng kiểm (05/06/2024 11 06 PM)
  Chơi gì ở Đà Nẵng dịp Lễ hội pháo hoa? (05/06/2024 11 06 PM)
  Doanh nghiệp bền vững 2024: VCCI công bố 153 chỉ số đánh giá (05/06/2024 10 06 PM)
  Cần hơn 1.200 tỷ đồng gia cố khẩn cấp nhiều cầu, hầm đường sắt (05/06/2024 09 06 AM)
  Sản xuất chịu áp lực vì chi phí đầu vào tăng (05/06/2024 09 06 AM)
  Bế tắc gói hỗ trợ 2%, doanh nghiệp hiến kế "cải tiến" (05/06/2024 09 06 AM)