2:52
Tỉ Giá Hối Đoái
Loại Mua vào (VND) Bán ra (VND)
(Nguồn: Ngân hàng Vietcombank)

Thống Kê Website
Truy cập
Hôm nay


Tin Kinh Tế

Đường bộ được “chia lửa”, tai nạn giảm.

Thị phần vận tải dần dịch chuyển từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giảm tai nạn giao thông.

Giảm phụ thuộc đường bộ

Nhiều năm qua, Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) đã tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển, logistics nhằm kết nối chuỗi dịch vụ.

Đường bộ được “chia lửa”, tai nạn giảm- Ảnh 1.

Đường thủy nội địa có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách giúp sản lượng vận tải tăng trưởng ấn tượng và giảm đáng kể áp lực cho đường bộ (Trong ảnh: Cảng thủy nội địa tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Tạ Hải

Trong đó, riêng việc hoàn thành nâng cấp bến số 1 Cảng Quy Nhơn đã giúp bến cảng tiếp nhận đồng thời hai tàu container có tải trọng lớn hơn. Nhờ vậy, đến năm 2023, sản lượng vận tải biển của đơn vị đạt 20,6 triệu tấn, vượt 104% kế hoạch, doanh thu gần 18.000 tỷ đồng. Kết quả này góp phần "cứu" doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, dần "lột xác", trở thành "cánh chim đầu đàn" của hàng hải Việt Nam.

"Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển có xu hướng tăng, đồng nghĩa góp phần "chia lửa" cho vận tải đường bộ rất lớn", đại diện VIMC nói.

Tại Hải Phòng, cách đây hơn 1 năm, địa phương này quyết định giảm 50% mức phí sử dụng hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Lê Mạnh Cương, Giám đốc Công ty CP Vận tải container ven biển MacStar cho biết, năm 2023 sản lượng vận chuyển container của công ty đạt khoảng 140.000 Teus, tăng khoảng 70% so với năm 2022. "Việc dịch chuyển nhu cầu vận chuyển container đường bộ sang đường thủy là rất rõ ràng", ông Cương nói.

Bộ GTVT cho biết, nhiều năm qua, ngành GTVT đã quyết liệt thực hiện Quyết định 1210 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu vận tải, tăng thị phần đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải, giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ.

Theo đó, lượng luân chuyển hành khách năm 2020 lĩnh vực hàng không tăng từ 21% lên 34%. Trong khi ở đường bộ, luân chuyển hành khách giảm từ 75,5% xuống còn 65,6%. Luân chuyển hàng hóa vận tải đường thủy nội địa năm 2023 đạt gần 20%, tăng 4% so với năm 2011.

Kết quả này ngoài đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, còn giúp giảm sâu tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương trong nhiều năm qua.

Tai nạn giảm sâu

Sau 10 năm thực hiện các giải pháp hưởng ứng Thập kỷ an toàn đường bộ toàn cầu (2011-2020), Việt Nam là 1 trong 35 quốc gia có tỷ lệ nạn nhân tử vong do TNGT đường bộ giảm hơn 43%. Giai đoạn từ 2011-2020, giảm từ 25,4 người/100.000 dân vào năm 2010 xuống còn 17,7 người/100.000 dân vào năm 2021.

Nhìn nhận về kết quả này, ông Khuất Việt Hùng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, bên cạnh các giải pháp về thể chế, hạ tầng, quá trình tái cơ cấu vận tải đóng góp phần không nhỏ trong việc giảm TNGT.

Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông - Vận tải, trường Đại học Việt Đức, TNGT không chỉ phụ thuộc vào lưu lượng mà còn phụ thuộc vào kết cấu dòng xe. Số chạy xe trong dòng càng nhiều, nhu cầu vượt nhau càng lớn, nên xác suất về tai nạn càng cao.

"Việc vận chuyển hàng hóa được dịch chuyển từ đường bộ qua các phương thức vận tải khác giúp giảm giảm lưu lượng xe tải chạy trên đường và tai nạn cũng giảm theo", ông Tuấn nói.

Tăng đầu tư, tiếp tục tái cơ cấu vận tải

Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo ATGT giai đoạn 2009-2023 của Chính phủ, việc kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác được đẩy mạnh nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ. Tuy vậy, để tăng cường đảm bảo ATGT, tiếp tục kéo giảm TNGT, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tái cơ cấu vận tải.

Việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, chuyển dần thị phần vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải sẽ giảm tần suất hoạt động của phương tiện vận tải trên đường bộ. Điều này có ý nghĩa lớn trong kéo giảm TNGT.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, đường thủy nội địa có nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách và nguồn vốn đầu tư. Nhờ vậy sản lượng vận tải 10 năm qua trung bình tăng trưởng 10-12%/năm, riêng năm 2023 tăng trưởng 15% so với năm 2022.

Tuy nhiên, vốn đầu tư cho hạ tầng đường thủy hiện vẫn thấp, chiếm tỷ lệ chưa đến 5% (cả Nhà nước và tư nhân), trong đó đầu tư công chỉ chiếm dưới 2%. Từ nay đến năm 2030, đầu tư công cho đường thủy cần đạt ít nhất từ 5-7% so với tổng đầu tư ngành GTVT.

Với lĩnh vực đường sắt, ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Cục Đường sắt VN) cho biết, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt hiện có, với tổng chiều dài khoảng 2.440km. Cùng đó, đầu tư xây dựng đường sắt, giai đoạn đến năm 2030 xây dựng các tuyến tổng chiều dài 2.362km.

Để thực hiện quy hoạch, giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí gần 16.000 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến nhu cầu hơn 224.000 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương.

Trong khi đó, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, năm 2023 thị phần giữa các lĩnh vực đã có sự dịch chuyển nhưng chưa được như kỳ vọng. Vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng cao so với các lĩnh vực vận tải khác, vận tải hàng hóa chiếm hơn 77% thị phần và vận tải khách chiếm 94%.

Theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), nếu được đầu tư hạ tầng đồng bộ cả 5 lĩnh vực, đảm bảo kết nối, dự kiến đến năm 2030 thị phần vận tải của đường bộ về vận chuyển hàng hóa sẽ chiếm khoảng 62,81%, luân chuyển hàng hóa chiếm khoảng 18%; Vận chuyển hành khách chiếm khoảng 90,16%, luân chuyển hành khách liên tỉnh chiếm khoảng 60%.

Đề xuất tăng đầu tư cho hạ tầng giao thông

Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, hiện Bộ GTVT đang triển khai đồng thời 5 quy hoạch chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2045, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung hoàn thành 5.000km đường cao tốc, nâng cấp 210km đường địa phương thành quốc lộ để tạo kết nối vùng, cảng biển, sân bay, cửa khẩu.

Bộ GTVT đề xuất tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông đạt 3-5% GDP. Đồng thời, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tăng đầu tư công cho các lĩnh vực đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải.

Bộ GTVT cũng có nhiều giải pháp huy động nguồn lực, thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Theo BáoGiaoThông


  Tây Ban Nha chốt danh sách dự Euro 2024 (08/06/2024 12 06 PM)
  Tận dụng tối đa các cơ hội từ các FTA và mục tiêu tăng trưởng càng cao càng tốt (07/06/2024 02 06 PM)
  Walmart, Amazon, Miniso muốn tăng mua hàng từ Việt Nam (07/06/2024 01 06 PM)
  Khu thương mại tự do của Đà Nẵng sẽ là 'đô thị kinh doanh tích hợp' (07/06/2024 01 06 PM)
  Nhiều đường ở TP HCM ngập nặng sau mưa lớn (07/06/2024 01 06 PM)
  Những điều cần biết trước khi thẻ căn cước mới được cấp từ 1/7 (07/06/2024 01 06 PM)
  Du lịch Sầm Sơn, hành khách hào hứng trải nghiệm “cung điện di dộng” (07/06/2024 01 06 PM)
  Chủ tịch 'kỳ lân' logistics Mỹ: Việt Nam là thị trường siêu quan trọng (07/06/2024 01 06 PM)
  Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội vắng vẻ bất ngờ (07/06/2024 01 06 PM)
  Thủ tướng yêu cầu tăng thanh tra livestream bán hàng (07/06/2024 01 06 PM)
  Gợi ý loạt tour 'xuất ngoại' dịp hè siêu rẻ, chơi thả ga hết vài triệu đồng (07/06/2024 01 06 PM)
  Tàu hỏa tông máy xúc, đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn (07/06/2024 01 06 PM)
  Số hóa dữ liệu hạ tầng đường sắt (07/06/2024 12 06 PM)
  Ngành thuế "lệnh" kiểm tra toàn diện việc nộp thuế kinh doanh online, livestream bán hàng (05/06/2024 11 06 PM)
  10 đoàn tàu Metro Nhổn - ga Hà Nội vừa được đăng kiểm (05/06/2024 11 06 PM)
  Chơi gì ở Đà Nẵng dịp Lễ hội pháo hoa? (05/06/2024 11 06 PM)
  Doanh nghiệp bền vững 2024: VCCI công bố 153 chỉ số đánh giá (05/06/2024 10 06 PM)
  Cần hơn 1.200 tỷ đồng gia cố khẩn cấp nhiều cầu, hầm đường sắt (05/06/2024 09 06 AM)
  Sản xuất chịu áp lực vì chi phí đầu vào tăng (05/06/2024 09 06 AM)
  Bế tắc gói hỗ trợ 2%, doanh nghiệp hiến kế "cải tiến" (05/06/2024 09 06 AM)